Con sông Cái Nha Trang chảy qua các huyện Khánh Vĩnh, Diên Khánh đến Ngọc Hiệp (TP. Nha Trang) sông rẽ làm hai nhánh, một qua cầu Xóm Bóng và một qua cầu Hà Ra để đổ ra biển. Gần đến hạ lưu, trước khi rẽ nhánh, sông chảy qua các vùng: Võ Cang, Vĩnh Thạnh, Xuân Phong, Vĩnh Ngọc, Lư Cấm…
Từ đường 23-10 rẽ phải vào đường Lương Định Của (tên trước đây là Hương lộ 45) ở Ngọc Hiệp đi đến cuối con đường là khu vực nhà thờ Bình Cang (Võ Cang) rồi trở ra đường 23-10 là bạn đã đi một vòng con đường men theo dòng sông Cái (khoảng 5km). Đặc biệt, trên con đường vừa giống phố lại như đường làng này có rất nhiều hàng quán ăn vặt với vô số món đặc trưng riêng của Nha Trang, Khánh Hòa và các món ăn du nhập từ các tỉnh khác.
Con đường quanh co vẫn còn cây xanh, hàng cau, vài lùm tre và những cánh đồng xanh, vàng tùy theo mùa lúa. Bây giờ không còn tiếng xe ngựa lộc cộc trên con đường làng nên mất đi nhiều cảm giác xưa cũ khi vẫn còn đó những ngôi nhà cổ, xưa mái ngói âm dương hay ngói vảy cá thấp thoáng dưới những tán lá, lùm cây. Dấu xưa khiến lòng người hoài cổ và không khỏi ngậm ngùi trách cứ thời gian mới đó mà vụt qua mau, cảnh vật nhiều thay đổi!
Nhưng thôi, hãy nói về các món ăn ở đây. Bắt đầu từ đầu đường Lương Định Của đã thấy nhộn nhịp hàng quán. Khu vực này vẫn thấy nhà phố với các món ăn thành phố như: phở, cơm tấm, hủ tiếu, bún bò… Đi thêm một đoạn khoảng 300m đến chợ Ngọc Hiệp là tha hồ gặp các món ăn đúng kiểu nhà quê như: bánh căn, bánh xèo, bánh bèo, bánh hỏi, bánh ướt… Đặc biệt, là nơi ngụ cư của nhiều người đến từ các vùng miền khác nhau nên họ mang đến đây nhiều món ăn quê xứ. Ví dụ như bánh hỏi Bình Định, cơm tấm miền Tây, hủ tiếu Mỹ Tho (Nam Vang), bánh đập xứ Quảng, bún chả, phở Hà Nội, bánh tráng trộn, trà sữa… Sự phong phú này khiến cho con đường ẩm thực khá thú vị, kiểu muốn gì có đó.
Đặc biệt, ở đây còn tập trung những món ăn không phải đặc trưng của Nha Trang như: phở, mì Quảng, bún bò nhưng người Nha Trang đã chế biến theo “gu” riêng của mình khiến cho hai món này thành khó quên cho người đi xa. Ví dụ như bún bò ăn với rau xắt ghém và chỉ có thịt bò bắp hay giò heo, khác với nơi xuất phát chính gốc của nó (Huế) là trong tô bún bò có chả lụa và ăn với rau lặt. Hay, mì Quảng Nha Trang đơn giản chỉ là nước xương hầm, chẳng có gia vị gì đặc biệt. Nếu mì xứ Quảng sợi bánh xắt to màu trắng, vàng xen kẽ và ở trạng thái mềm (ướt) thì mì Quảng Nha Trang là một loại bánh phở khô, sợi thái nhỏ có màu vàng sậm; mì xứ Quảng có thịt (heo, bò) nấu theo kiểu thưng hay xào, thì mì Quảng Nha Trang chỉ là thịt luộc và có thêm chả cá. Cái khác biệt rõ nét nhất là tô mì Quảng Nha Trang nước lèo được chan gần phủ hết bánh, không phải xâm xấp dưới đáy tô như mì xứ Quảng. Thêm nữa, mì Quảng Nha Trang không ăn kèm với bánh tráng nướng…
Từ khu vực chợ Ngọc Hiệp, hàng quán ở đây khá phong phú món ăn và nhà dạng kiểu phố, tấp nập, sầm uất nhất trong vùng. Qua khỏi đường ray xe lửa nhà phố bớt dần độ san sát nhưng hàng quán ăn uống vẫn nhiều. Tiếp đến là chợ chiều Vĩnh Hội. Nơi đây có thể tìm thấy cá tôm tươi vào buổi chiều bán ở hai bên đường.
Đi tiếp nữa là đến chợ Vĩnh Ngọc. Tuy không lớn như chợ Ngọc Hiệp nhưng cũng đầy đủ các sản vật của vùng Nha Trang, Diên Khánh. Có thể tấp bên đường mua cái bánh ít, ký bún, cái bánh ú, trái bắp luộc, mớ rau, trái bí...
Sau đó đến làng Phú Vinh nổi tiếng với tour du lịch nhà cổ. Qua Phú Vinh, nếu thích thì đi tiếp đến Bình Cang tuy không nhiều hàng ăn uống nhưng cũng khá ngon. Nếu không rẽ trái đến chợ ga Vĩnh Thạnh là một chợ khá lớn, có khá nhiều hàng quán ăn vặt, rẻ và ngon.
Như vậy chỉ trong vòng khoảng 3 - 4 cây số, bạn đã đi qua 4 cái chợ tuy có chút quê mùa nhưng không thiếu thứ gì ở thành phố và hàng quán ăn uống thì rất phong phú, nếu nói không quá, có thể ví như một Nha Trang thu nhỏ vậy.
Nguồn: báo Khánh Hòa online